Tác giảTác giả: Jeffrey CammackCập nhật: July 20, 2020

Cập nhật lần cuối vào ngày July 20, 2020

Jeffrey Cammack

Tác giả: Jeffrey Cammack

Bất kỳ ai cố tìm về khởi nguồn của phân tích kỹ thuật đều được dẫn đến lý thuyết Dow. Ngày nay, lý thuyết Dow là nền tảng của mọi thứ chúng ta biết về phân tích kỹ thuật. Về bản chất, đó là một bộ luật lệ và quy tắc chung giúp bạn đưa ra hành động trên các dữ liệu giá khác nhau trên thị trường.

Charles H. Dow đã phát triển lý thuyết Dow trong thế kỉ 19 với mục tiêu ban đầu là sử dụng nó để miêu tả sự chuyển động của thị trường chứng khoán. Nhưng bởi vì lý thuyết Dow giúp xác minh hướng dịch chuyển của thị trường, khiến nó trở thành một công cụ phổ biến và có thể được dùng cho các loại thị trường khác, ví dụ như thị trường Ngoại hối.

Lý thuyết Dow so sánh chỉ số Công nghiệp trung bình (Dow Jones Industrial Average – DJIA) với Chỉ số vận tải trung bình (Dow Jones Transportation Average – DJTA). Khi dùng, nó có thể xác định chúng ta đang ở trong giai đoạn thị trường tăng trưởng kỹ thuật hay thị trường suy giảm kỹ thuật. Để xác nhận đó là thị trường tăng trưởng hay suy giảm kỹ thuật, xu hướng của DJIA phải phù hợp với xu hướng của DJTA. 

Các tiền đề cơ bản của Lý thuyết Dow được dùng như một chỉ số sức khỏe chung của thị trường. Với các nhà giao dịch, lý thuyết Dow là một màn giới thiệu rõ ràng về cách thị trường dịch chuyển. Nó cho các nhà giao dịch một ý niệm về thời điểm tìm kiếm các cơ hội giao dịch, dựa trên vài nguyên lý cơ bản. Theo sau đây là sáu nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow:

  1. Giá cả phản ánh mọi thứ.
  2. Thị trường có ba xu hướng (xu thế).
  3. Xu hướng có ba giai đoạn.
  4. Các chỉ số trong thị trường phải xác định lẫn nhau.
  5. Khối lượng giao dịch phải xác định xu hướng.
  6. Một xu hướng sẽ tồn tại đến khi tín hiệu đảo chiều xuất hiện rõ ràng.

Giá cả phản ánh mọi thứ

Lý thuyết Dow phát biểu rằng tất cả mọi thông tin có thể biết được đều đã được thể hiện trong giá. Vì thế tin tức được xem là không quan trọng và thứ duy nhất ảnh hưởng giá thị trường chính là cảm xúc của con người.

Lý thuyết Dow ngụ ý rằng chúng ta chỉ nên nghiên cứu cảm xúc con người, chứ không phải dữ liệu thống kê. Bởi vì, nghiên cứu hành động giá chỉ là sự phản ánh cảm xúc của con người.

Thị trường có ba xu hướng

Lý thuyết Dow phát biểu rằng có ba xu hướng quan trọng trong thị trường. Xu hướng tăng được định nghĩa là một chuỗi lặp lại các đáy cao hơn nối tiếp (đáy sau cao hơn đáy trước) với các đỉnh cao hơn (đỉnh sau cao hơn đỉnh trước). Còn xu hướng giảm ngược lại là một chuỗi lặp lại các đáy thấp hơn nối tiếp với các đỉnh thấp hơn.

  1. Xu hướng chính (Primary trend): Xu hướng chính thường tồn tại từ một đến ba năm. Đây là xu hướng quan trọng nhất vì nó cũng sẽ tác động tới xu hướng phụ và xu hướng nhỏ.
  2. Xu hướng phụ (Secondary Trend) còn gọi là hướng trung gian: Xu hướng phụ nhìn chung thường tồn tại từ ba tuần đến ba tháng và đi ngược hướng với xu hướng chính.
  3. Xu hướng nhỏ còn gọi là biến động hàng ngày (Daily flucuation): Xu hướng nhỏ tồn tại ít hơn ba tuần. Xu hướng nhỏ luôn có tác động tới xu hướng phụ như cách xu hướng phụ gây tác động tới xu hướng chính.

Biểu đồ GBP/USD hằng ngày

Ba giai đoạn của một xu hướng

Một xu hướng (xu thế) có ba (giai đoạn) thời kỳ như sau:

  1. Thời kỳ tích lũy (Accumulation).
  2. Thời kỳ tăng mạnh (Public participation). 
  3. Thời kỳ phân phối (Distribution).

Biểu đồ EUR/USD 

Thời kỳ tích lũy là giai đoạn đầu của thị trường tăng và vài nhà đầu tư thông minh bắt đầu mua vào một cách có chọn lọc. Nhìn chung, thời kỳ tích lũy xuất hiện vào cuối xu hướng giảm và đi kèm với tâm lý cực kỳ tiêu cực. 

Trên biểu đồ giá, thời kỳ tích lũy (accumulation) được biểu thị bằng một khoảng thời gian củng cố thị trường.

Giai đoạn tăng trưởng mạnh xuất hiện khi giá bắt đầu di chuyển nhanh chóng. Đây là giai đoạn mà đa số những người “đu theo xu thế” bắt đầu tham gia (public participation), nó là giai đoạn tồn tại lâu nhất và có sự dịch chuyển giá lớn nhất.

Giai đoạn phân phối là giai đoạn đầu của thị trường giảm và vài nhà đầu tư thông minh bắt đầu bán có chọn lọc. Giai đoạn này ngược lại với giai đoạn tích lũy và đi kèm tâm lý tích cực cùng với dữ liệu cơ sở trông tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Các chỉ số trong thị trường phải xác định lẫn nhau

Quy tắc này nói rằng hướng dịch chuyển tổng thể của xu thế phải được xác nhận bởi một cặp tương quan, vì thế xác nhận lẫn nhau. Ví dụ như, nếu cặp EUR/USD đang dịch chuyển theo xu hướng tăng, chúng ta cũng sẽ thấy xu hướng chính của GBP/USD là hướng tăng. Nhưng nếu cặp GBP/USD không xác nhận xu hướng EUR/USD, chúng ta có sự phân kỳ (divergence) và có nghĩa là đã có điều gì đó không ổn. Điều này báo hiệu có một sự thay đổi lớn về xu thế sắp xảy ra.

Biểu đồ hằng ngày của EUR/USD so với GBP/USD

Khối lượng giao dịch phải xác định xu hướng

Theo như lý thuyết Dow, khối lượng giao dịch nên dịch chuyển cùng hướng với xu thế chính. Nếu chúng ta đang trong xu hướng tăng, chúng ta nên thấy sự tăng về khối lượng mua. Và nếu chúng ta đang trong xu thế giảm, chúng ta nên thấy sự tăng về khối lượng bán. Ngược lại nếu khối lượng giao dịch yếu cho thấy xu thế có khả năng yếu đi.

Một xu hướng sẽ tồn tại đến khi tín hiệu đảo chiều xuất hiện rõ ràng

Theo như lý thuyết Dow, một xu hướng được dự kiến sẽ tồn tại cho đến một sự kiện lớn xảy ra dẫn đến sự đảo chiều. Đây là điểm khởi đầu của các hệ thống theo xu thế.

Cũng như các định luật vật lý một vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động cùng hướng đến khi có ngoại lực làm nó đổi hướng. Các nhà giao dịch cũng nên tiếp tục giao dịch theo xu hướng chính cho đến khi có một tín hiệu chắc chắn là xu hướng đã đảo ngược

Kết luận

Hiểu được lý thuyết Dow sẽ giúp bạn nắm rõ phân tích kỹ thuật hơn và làm bạn trở thành một nhà giao dịch giỏi hơn. Những nguyên lý rất cơ bản nhưng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các nhà giao dịch. Những nguyên lý này tạo ra các luật lệ để nhà giao dịch làm theo, nhờ thế giúp các nhà giao dịch mới loại bỏ cảm xúc khi giao dịch.

Đăng ký nhận tin

Biểu mẫu này sử dụng phương thức xác nhận kép. Bạn cần phải xác nhận email của mình trước khi được thêm vào danh sách.

Đóng